Site icon JGJOURNEY

Ananta Samakhom – Kiến trúc Ý giữa lòng chùa tháp

Đến Bangkok, Thái Lan, mọi người thường sẽ nhắc nhau đi thăm Grand Palace – khu Hoàng cung rộng lớn, niềm kiêu hãnh của vương triều Chakri; Wat Pho, Wat Arun … những ngôi chùa nổi tiếng, lộng lẫy nằm bên dòng Chao Phraya, mang đậm nét kiến trúc Thái với mái cong, đỉnh nhọn cao vút; Bảo tàng Quốc gia ăm ắp các hiện vật lịch sử từ thuở hồng hoang … Khách du dường như đã quá quen thuộc với một Thái Lan lấp lánh ánh vàng, lấp lánh ánh bạc – màu của hoàng gia, của một vùng đất trù phú, giàu có.

Thế nên, khi ngang qua Quảng trường Hoàng gia, người ta không khỏi ngỡ ngàng đến kinh  ngạc, ngỡ như lạc bước đến Châu Âu – một nước Ý lãng mạn câu chuyện tình. Giữa không gian rộng lớn nằm trên trục đường trung tâm ấy, nổi lên một khối trắng tuyệt đẹp, trang nghiêm và kiêu hãnh sánh vai cùng các khối màu vàng son. Đó là Đại sảnh Ananta Samakhom được tạo tác từ đá cẩm thạch trắng đến từ nước Ý xa xôi, do hai kiến trúc sư người Ý là Mario Tamagno và Annibale Rigotti thiết kế theo phong cách kiến trúc Phục hưng và Tân cổ điển. Vì vậy, công trình này còn được dân địa phương gọi là cung điện Ý.

Đặt tại phức hợp Cung điện Dusit ở quận Dusit, Bangkok, Đại sảnh Ananta Samakhom được Vua Rama V xây dựng từ năm 1907 nhằm làm nơi đón tiếp các quan khách nước ngoài và tổ chức các hội nghị của hội đồng cố vấn Hoàng gia về các vấn đề phát triển đất nước. Nhưng phải đến năm 1915, sau khi vua Rama V qua đời 5 năm, công trình mới hoàn thành dưới triều đại vua Rama VI và trở thành nơi sinh hoạt của Hoàng gia Thái Lan. Trong cuộc đảo chính năm 1932, Đại sảnh Ananta Samakhom từng là trụ sở hoạt động của Đảng Nhân dân, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử Thái Lan, chuyển từ chế độ quân chủ chuyên chế sang dân chủ đại nghị. Sau 7 năm, tòa nhà này được trao trả lại Hoàng gia. Năm 2008, Vua Rama IX ân chuẩn sử dụng Ananta Samakhom làm Bảo tàng Nghệ thuật Hoàng gia và là nơi diễn ra các lễ kỷ niệm của Hoàng gia.

Đại sảnh Ananta Samakhom không được du khách nhắc đến nhiều như Grand Palace (Hoàng cung) vì nơi đây từng đóng cửa một thời gian, không đón khách viếng thăm. Khi mở cửa cho phép tham quan, Ananta Samakhom đặt ra các quy định rất nghiêm ngặt. Đến đây, du khách buộc phải ăn mặc lịch sự, nam mặc quần dài, nữ mặc váy dài hoặc mua xà rông tại quầy hỗ trợ để quấn như người Thái. Tất cả giỏ xách, balo, máy ảnh mang theo đều được hướng dẫn để ở tủ qui định.

Đại sảnh Ananta Samakhom không cho phép du khách dùng bất cứ thiết bị nào (bao gồm điện thoại) để chụp ảnh, quay phim bên trong. Vì thế, mặc dù xứng danh là “cung điện Ý” với lối kiến trúc và trang hoàng mê đắm lòng người, biểu tượng và là niềm kiêu hãnh của vương triều Chakri thể hiện với thế giới rằng: “Người Thái có văn minh”, nhưng có rất ít hình ảnh về Đại sảnh này được xuất hiện rộng rãi. Bù lại, điều đặc biệt ở Đại sảnh Ananta Samakhom là cho phép khách tham quan hiểu rõ giá trị văn hóa và lịch sử đến từng chi tiết. Nếu như, bạn không đi theo đoàn, khi đến đây, bạn sẽ được mượn một thiết bị cầm tay, chỉ cần nhấn số theo chỉ dẫn ở từng khu vực, rồi bấm nút play, máy sẽ tự động phát lời giải thích rõ ràng bằng một số ngôn ngữ phổ biến như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hoa, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Thái…

Đại sảnh là một công trình kiến trúc 2 tầng được lát đá cẩm thạch toàn bộ, với mái vòm lớn đặt tại trung tâm, xung quanh là 6 mái vòm nhỏ hơn. Vòm và tường được Giáo sư Galileo Chini và Carlo Riguli, những họa sĩ người Ý phục vụ vua Rama V, vẽ nên các bức bích họa miêu tả hành trình lịch sử của Vương triều Chakri, từ thuở khai sinh đến đời thứ 6. Mái vòm phía Bắc là hình ảnh Vua Rama I chỉ huy quân đội trở về Thái Lan sau chiến thắng trước người Khmer và đăng quang, trở thành vị Vua đầu tiên trong vương triều Chakri. Mái vòm phía Đông là những hình ảnh đóng góp của Vua Rama II và Rama III về nghệ thuật trong việc quy hoạch những công trình xây dựng thuộc hệ thống đền chùa Hoàng gia.

Mái vòm phía Nam là dấu ấn lịch sử quan trọng khi Vua Rama V bãi bỏ chế độ nô lệ. Mái vòm phía Tây là hình ảnh vua Rama IV được bao quanh bởi nhiều mục sư thuộc các tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, nhấn mạnh nhà Vua ủng hộ tất cả các tôn giáo trên khắp Vương quốc. Các bức bích họa treo tường tại sảnh trung tâm kể lại những dấu ấn của Vua Rama V và Rama VI.

Phần còn lại trong Đại sảnh được trang trí bằng các họa tiết là biểu tượng hoàng gia như chim thần Garuda, và tên hiệu của vua Rama V và vua Rama VI. Ngoài ra, trên ban công cao là các bức tượng theo trường phái điêu khắc châu Âu và những bức tranh phụ nữ châu Âu mang tràng hoa. Các khu vực nhỏ bên trong đều là những tuyệt tác nghệ thuật được thực hiện tỉ mỉ bởi các học sinh, sinh viên tại Trung Tâm dạy nghề Chitralada, đó là những món trang sức nhỏ xíu được chạm trổ tinh tế, những tác phẩm mô phỏng vật dụng Hoàng gia được chế tác công phu như mô hình thuyền rồng của nhà Vua …

Phía trước Đại sảnh là không gian Quảng trường Hoàng gia rộng lớn, nổi bật là Tượng đài Đức vua Chulalongkorn (Rama V) cưỡi ngựa uy nghiêm. Phía Đông Đại sảnh là đình Borommangalanusarani được xây dựng sau này, mừng Vua Rama IX tại vị được 70 năm và mừng sinh nhật Hoàng hậu ở tuổi 84 (84 = 7 * 12 – Theo quan niệm của người Thái Lan, 7 vòng tròn 12 con giáp mang ý nghĩa rất thiêng liêng). Đình gồm 9 tháp nhọn, nhiều nhất trong kiến trúc của thời Rattanakosin, do Trung tâm dạy nghề Sirikit xây dựng nên từ vàng và kính với ngôi mái chính mang biểu tượng của Vua Rama IX.

Bất kì ai khi đến đây, cũng sẽ thốt lên rằng, Ananta Samakhom xứng đáng là một công trình tuyệt mỹ, là sự kết hợp xuất sắc và ấn tượng giữa văn hóa phương Tây và phương Đông. Những quy định nghiêm ngặt dành kho khách du lịch là một điều cần thiết để gìn giữ và tỏ lòng tôn trọng với văn hóa và tiền nhân.

Exit mobile version