Site icon JGJOURNEY

Chưa đến Dinh Độc Lập là chưa đến Sài Gòn?

Ước nguyện gửi gắm

Chứng kiến nhiều biến cố lịch sử của mảnh đất phương Nam nắng gió và cũng chính là biểu tượng của hòa bình và thống nhất, nên Dinh Độc Lập mang theo hồn thiêng sông núi, mang theo gửi gắm của vị kiến trúc sư tài hoa ước mong nước nhà hưng thịnh.

Kể về Dinh Độc Lập, cần ngược dòng thời gian xa xưa, trở về thời Pháp thuộc, khi ấy, Dinh mang tên Dinh Norodom lần lượt dành cho các Thống đốc Nam Kỳ và Toàn quyền Đông Dương sử dụng, nên còn gọi là Dinh Thống đốc hay Dinh Toàn quyền.

Sau năm 1954, Pháp rút khỏi Việt Nam. Năm 1955, Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống, quyết định đổi tên thành Dinh Độc Lập. Từ đó Dinh Độc Lập trở thành nơi đại diện cho chính quyền cũng như nơi ở của Tổng thống.

Sau một biến cố chính trị làm hư hại một phần, Dinh Độc Lập được khởi công xây mới ngày 1/7/1962 theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người Việt Nam đầu tiên đạt giải Khôi nguyên La Mã.

Kể từ đây, Dinh Độc Lập gắn liền với tên tuổi vị kiến trúc sư tài hoa, lừng danh này. Ông kết hợp nhuần nhuyễn phong cách kiến trúc hiện đại phương Tây lẫn kiến trúc Á Đông, đặc biệt tuân theo truyền thống Việt Nam, cùng quan điểm vương đạo, nghĩa là làm sao cho cộng đồng phát triển tốt, thịnh vượng, và là vua thì cần làm gương, đứng ra gác, vác vào thiết kế. Mọi xếp đặt từ nội thất từ trong ra ngoài đều tượng trưng cho triết lý Phương đông và dân tộc. Toàn thể bình diện của Dinh làm thành hình chữ CÁT ( 吉 ) có nghĩa là tốt lành, may mắn; Tâm của Dinh là vị trí phòng Trình quốc thư; Lầu thượng là Tứ phương vô sự lầu hình chữ KHẨU ( 口 ) để đề cao giáo dục và tự do ngôn luận. Hình chữ KHẨU ( 口 ) có cột cờ chính giữa sổ dọc tạo thành hình chữ TRUNG ( 中 ) như nhắc nhở muốn có dân chủ thì phải trung kiên. Nét gạch ngang được tạo bởi mái hiên lầu tứ phương, bao lơn danh dự và mái hiên lối vào tiền sảnh tạo thành hình chữ TAM ( 三 ), theo quan niệm dân chủ hữu tam viết nhân, viết minh, viết võ, ý mong muốn một đất nước hưng thịnh thì phải có những con người hội đủ 3 yếu tố Nhân, Minh, Võ. Ba nét gạch ngang này được nối liền nét sổ dọc tạo thành hình chữ VƯƠNG ( 王 ), trên có kỳ đài làm thành nét chấm tạo thành hình chữ CHỦ ( 主 ) tượng trưng cho chủ quyền đất nước. Mặt trước của dinh thự, toàn bộ bao lơn lầu 2 và lầu 3 kết hợp với mái hiên lối vào chính cùng 2 cột bọc gỗ phía dưới mái hiên tạo thành hình chữ HƯNG ( 興 ) ý cầu chúc cho nước nhà được hưng thịnh mãi.

Âm hưởng phương Đông

Vẻ đẹp kiến trúc của Dinh được thể hiện bởi bức rèm hoa đá mang hình dáng những đốt trúc thanh tao bao xung quanh lầu 2, được biến cách từ bức cửa bàn khoa của các cung điện Cố đô Huế, không chỉ làm tăng vẻ đẹp của Dinh mà còn có tác dụng lấy ánh sáng mặt trời.

Phía trước Dinh là những thảm cỏ xanh non hình oval, chính giữa là đài phun nước, tạo nên vẻ đẹp và không gian xanh, dịu êm. Bước qua thảm cỏ là hồ nước hình bán nguyệt chạy dài theo mặt trước của đại sảnh. Trong hồ được trồng hoa súng, hoa sen gợi nên hình ảnh yên ả, tĩnh lặng như ở các ngôi đình, ngôi chùa cổ kính của Việt Nam.

Ði vào bên trong Dinh, tất cả các đuờng nét kiến trúc đều dùng đường ngay sổ thẳng, các hành lang, đại sảnh, các phòng đều lấy câu chính đại quang minh làm gốc. Mỗi phòng đều trưng bày tranh ảnh non sông, đất nước, con người hay các sự kiện lịch sử nổi tiếng của dân tộc như “Cẩm tú sơn hà”, “Bình Ngô đại cáo”…

Dinh có diện tích 120.000m² (300m x 400m), được giới hạn bởi 4 trục đường chính:

Dinh có 3 tầng chính, 2 gác lửng, 1 sân thượng và tầng hầm với khoảng 100 phòng được trang trí theo phong cách khác nhau tùy vào công năng sử dụng.

Dinh Độc Lập mở cửa bán vé phục vụ du khách tham quan hàng ngày (kể cả thứ bảy, chủ nhật và Lễ, Tết). Sáng từ 7h30 đến 11h00, Chiều từ 13h00 đến 16h00.

Vé vào cửa:

Đi qua bao thăng trầm lịch sử, Dinh Độc lập vẫn sừng sững đứng đó, khắc ghi bao kì vọng gửi gắm cho mai sau.

 

Exit mobile version