Site icon JGJOURNEY

Nhắc đến Sài Gòn thì phải có tên chợ Bến Thành

Có tuổi đời hơn 100 năm, chứng kiến bao biến cố lịch sử của mảnh đất Sài Gòn, chợ Bến Thành đã trở thành biểu tượng không thể thiếu được của vùng đất phương Nam nồng hậu. Năm 2014, chợ Bến Thành được báo Mỹ USA Today bình chọn xếp vô danh sách 15 ngôi chợ tốt nhất thế giới.

Những điều thú vị về Chợ Bến Thành xưa

Ban đầu, vị trí của chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định (bấy giờ là thành Quy, còn gọi là thành Bát Quái).

Vị trí đầu tiên của chợ Bến Thành: Bến này dùng để cho hành khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mới có tên gọi là Bến Thành, và khu chợ cũng có tên gọi là chợ Bến Thành. Chợ Bến Thành ngày hôm nay là chợ mới, được Pháp cho xây dựng trên một cái ao sình lầy bị lấp đi.

Vòng xoay trước chợ Bến Thành: Lúc đầu gọi là bùng binh Cu-nhắc (Rond – point Cuniac) rồi đổi tên là công trường Diên Hồng và công trường Quách Thị Trang. Hiện nay, do việc phát triển metro nên dỡ bỏ công trường Quách Thị Trang.

Trung tâm buôn bán của Đông Dương: Ngay năm mở chợ, 1914, chính quyền Pháp cho xây dựng một đại lộ thênh thang nối từ chợ Bến Thành sang thành phố Chợ Lớn, đặt tên Gallieni (nay là đường Trần Hưng Đạo). Khi con đường Gallieni chưa làm xong, tuyến xe điện đi từ khu vực chợ Bến Thành vô Chợ Lớn đã hoạt động cho đến tận năm 1953.

Cầu vượt trước chợ Bến Thành: Đầu thập niên 1970, hai cầu vượt bằng sắt được dựng lên phía trước chợ nhằm giúp khách qua lại chợ an toàn hơn, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, hai cây cầu đã bị tháo dỡ vì không hiệu quả và bị nhiều người chê “xấu hoắc”.

Ảnh: nguồn từ báo Tuổi Trẻ

Biểu tượng đất Sài Gòn

Chợ có tổng diện diện tích 13.056 m2, gồm 4 cửa chính và 12 cửa phụ tỏa ra bốn hướng.

Cửa chính của chợ Bến Thành là cửa Nam, rất phù hợp với tiêu chí mở cửa chính trong kiến trúc Việt: “Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam”. Cửa Nam nhìn ra công trường Quách Thị Trang (ngày nay đã nhường chỗ cho công trường xây dựng Metro), có biểu tượng tháp đồng hồ ba mặt, xây dựng theo lối kiến trúc kiểu Pháp, phía dưới tháp có ba chữ “Chợ Bến Thành”. Phần trên của tháp trước đây là phòng phát thanh của Đài Truyền thanh quận 1, cung cấp tin tức và thông báo cần thiết cho tiểu thương và khách đi chợ, nay trở thành văn phòng ban quản lý chợ.

Dọc theo hành lang bao quanh nhà lồng bày bán đủ các loại mặt hàng tiêu dùng phục vụ khách du lịch, đặc biệt là hàng lưu niệm, quần áo may sẵn, vải tơ tằm, thủ công mỹ nghệ, tranh thêu, thổ cẩm…Khu vực vòng ngoài, xung quanh các cửa bày bán hàng hóa niêm yết giá. Những sản phẩm này không được phép trả giá, chỉ phù hợp với du khách bận rộn.

Chợ Bến Thành bắt đầu mở cửa từ 4 giờ sáng tại cửa Bắc với các mặt hàng tươi sống và hoa quả. Đến 8 giờ sáng, hơn 1.600 sạp hàng ở 3 cửa chính, các cửa phụ và trong lồng chợ đồng loạt hoạt động. Nhà lồng có 7 gian lớn ở giữa và 6 gian nhỏ bố trí hai bên, ngoài ra có khu ăn uống trong chợ phong phú các món ăn khắp mọi miền.

Những điểm lưu ý chợ Bến Thành

Đến chợ Bến Thành, du khách thường chọn mua đồ lưu niệm như móc chìa khóa, nón lá, búp bê mặc áo dài…; các loại hạt và trái cây khô như hạt điều, hạt sen sấy…; trà, cà phê, giày dép, balo… Để mua sắm vui vẻ, bạn chú ý những điểm sau nhé:

Chợ Đêm Bến Thành

Về đêm, dù nhà lồng đóng cửa nhưng khu vực xung quanh chợ (đường Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh) vẫn hoạt động rất sôi nổi. Từ 7 giờ tối, các quầy hàng quần áo, mỹ nghệ, lưu niệm, đặc biệt là gian hàng ăn uống đổ ra đường. Ẩm thực chợ đêm góp mặt đầy đủ ba miền đất nước như bánh xèo, bánh khọt miền Nam; bánh nậm, bánh bèo, bánh bột lọc miền Trung; phở miền Bắc … và cả một số món ăn trên thế giới như mì Ý, lẩu Thái…

Thông tin trên được tổng hợp từ:

Exit mobile version