Site icon JGJOURNEY

VT Namnueng Thái Lan – chuỗi nhà hàng nem nướng lớn nhất thái lan

Từ gánh hàng rong của mẹ đến chuỗi nhà hàng nem nướng lớn nhất thái lan

Ít xuất hiện trước truyền thông và thường bận rộn với công việc, nhưng ông chủ thương hiệu VT Namnueng, một trong hai cơ sở sản xuất nem nướng và nhà hàng Việt lớn nhất Thái Lan, luôn sẵn lòng dành thời gian chia sẻ với giới trẻ về chặng đường lập nghiệp, trong đó ẩm thực Việt luôn là đề tài ưa thích, nhất là các món ngon xứ Huế. Giới doanh nhân Thái gọi ông là Thong Kulthanwat, còn doanh nhân Việt gọi ông là Hồ Văn Lâm. Ông là cầu nối giữa doanh nghiệp Thái Lan – Việt Nam trong vai trò Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Thái – Việt. Trò chuyện với ông, cảm giác thân thuộc như đang nói chuyện với người cha, người anh trong gia đình, không phải một doanh nhân nổi tiếng đi qua bao thăng trầm của thương trường và lòng người. Và như thế, câu chuyện từ gánh hàng rong của mẹ đến thương hiệu nổi tiếng dần hé mở.

Mang quốc tịch Thái Lan, sinh sống trên đất Thái nhưng Thong Kulthanwat là người Việt chính gốc. Ông là con thứ 3 trong gia đình thuần Việt đông con của ông Hồ Văn Tuân và bà Vi Saerueng. Mẹ ông sang Thái lánh chiến tranh khi mới 13 tuổi, rồi bỗng chốc mồ côi một mình nơi xứ lạ. Nỗ lực sinh tồn, người phụ nữ can đảm ấy đã bươn chải với gánh hàng ăn để kiếm sống. Cũng tựa như vậy, cha ông bỏ quê nhà ở Huế sang Lào lánh chiến tranh ở tuổi 13, rồi cùng gia đình theo dòng Mekong đến Nongkhai, Thái Lan tị nạn. Cùng cảnh ngộ nơi xứ người, cha mẹ ông yêu thương nhau và thành vợ chồng.

Có bí quyết gia truyền thời ông nội làm trong bếp hoàng cung nhà Nguyễn, cha chỉ lại cho mẹ, rồi cùng nhau lắng nghe góp ý của dân quanh vùng, điều chỉnh khẩu vị và đưa món nem lụi bình dân xứ Huế trở thành món nem nướng nức tiếng trên đất Thái. Chính món ăn này đã nuôi sống cả gia đình đến 8 người con đi qua những cơ cực.

Thời niên thiếu, cậu bé Hồ Văn Lâm cũng như phần lớn người Việt trên đất Thái nói chung vẫn còn bị người Thái nghi kị và chưa cho nhập quốc tịch, bị hạn chế di chuyển, học hành và cả cơ hội nghề nghiệp. Nhưng khó khăn trui rèn ý chí, Hồ Văn Lâm tìm đến các trung tâm thiếu nhi dành cho trẻ mồ côi, học tiếng Việt với thầy cô người Việt, học tiếng Thái với thầy là quân nhân (tại các vùng biên giới, quân đội kiêm luôn việc dạy chữ cho người dân), lặng lẽ tiếp tục các chương trình cao hơn mà không được cấp bằng. Sự phân biệt và nghi kị đeo đẳng không dứt cả khi tìm việc làm.

Không bằng cấp, không người nâng đỡ, Hồ Văn Lâm quyết định làm thợ nhưng cũng bị cấm cản vì “nghề chỉ dành riêng cho người Thái”. Lăn lộn mưu sinh trăm bề, rồi kết hôn ở tuổi 20, sẵn gia đình vợ làm nghề may, nên ông liều mở tiệm ngay trung tâm tỉnh Nongkhai dù chỉ biết đôi chút gọi là. Để quản lý cửa tiệm, ông lặn lội vào Bangkok tìm thầy học và chỉ cho phép mình 3 tháng để rành nghề. Từ đó, nghề may vận vào ông 17 năm, theo thời gian ranh giới nghi kị dần xóa nhòa và ông được nhập quốc tịch Thái. Thế nhưng thử thách chưa dừng lại, năm 1992, khủng hoảng kinh tế tại Thái Lan nổ ra, tiền mất giá, hàng may sẵn giá rẻ đa dạng mẫu mã ồ ạt tràn ra thị trường, thợ may lành nghề khó tìm và yêu cầu trả công rất cao, tiệm may của ông chới với.

Thời khắc ấy, ông nhớ về gánh nem nướng của mẹ đã nuôi các anh chị em mình lớn khôn. Nhìn ra xa, cầu Hữu nghị Thái – Lào thứ nhất đã khánh thành, đưa kinh tế biên giới phát triển hơn. Ông lại dấy lên niềm hy vọng và quyết định chuyển nghề. Trong khi các anh chị em ông phụ giúp mẹ phát triển cửa hàng Daeng Namnueng của gia đình, thì ông mở VT Namnueng tại tỉnh Udonthani. VT là chữ viết tắt ghép từ tên cha và tên mẹ.

Vậy là ở Thái Lan có hai thương hiệu nhà hàng Việt nổi tiếng là Daeng Namnueng và VT Namnueng. Cả hai thương hiệu đều cùng gia đình nhưng có vị trí và chiến lược kinh doanh khác nhau. Daeng Namnueng xuất phát từ gánh hàng rong mà cha mẹ mưu sinh kiếm tiền nuôi 8 đứa con từ năm 1953 với món nem nướng chủ lực cùng một số món ăn Việt như bánh bèo, bánh hỏi, chả giò, bánh cuốn … Hơn 10 năm sau, gánh hàng rong trở thành một quán ăn nho nhỏ, mang tên người con gái đầu lòng, Daeng Namnueng.

Còn VT Namnueng khởi nghiệp vào thời điểm khủng hoảng tài chính Thái Lan năm 1992 với lãi suất phải trả cao đến 18.5% nhưng nhờ bí quyết từ cha mẹ truyền lại, giữ được chất lượng món ăn ngon và bán giá bình dân, ông đã thanh toán hết nợ sau 5 năm.

Khác với cha mẹ và các anh chị em trong chiến lược phát triển mở rộng cửa hàng ngay tại địa phương, ông Hồ Văn Lâm chú trọng hình thức giao hàng tận nơi để mở rộng kinh doanh và chuyển giao hình thức Franchise.

Đến nay, ông đã có hơn 30 cửa hàng mang thương hiệu VT Namnueng rộng khắp và phát triển hệ thống giao hàng thành công nhất Thái Lan. Đồng thời VT Namnueng sở hữu 4 cơ sở sản xuất chính đặt tại Udothani và Chiang Mai với công suất 50 tấn nem nướng mỗi ngày. Niềm tự hào của ông chính là Community mall – dự án ngốn hơn 650 triệu Baht đã khánh thành. Đây là trung tâm hội nghị, mua sắm quà địa phương (OTOP) và có hệ thống nhà hàng hiện đại phục vụ đến 1000 chỗ ngồi với hơn 1.200 nhân viên. VT Namnueng đã trở thành biểu tượng quan trọng của tỉnh Udonthani nói riêng và Miền Đông Bắc Thái Lan nói chung.

Chia sẻ về chặng đường đưa món nem nướng trở thành món ăn phải thử một lần trong đời của người Thái, ông nhấn mạnh yếu tố quan trọng là chất lượng, uy tín và dịch vụ. Để đảm bảo chất lượng, ông rất khắt khe trong vấn đề tuyển chọn nguyên liệu, từ thịt phải lấy nơi các công ty lớn có tiếng, đến việc lập riêng một đội ngũ chuyên trồng rau sạch, không sử dụng thuốc hay phân bón hóa học, nhặt tỉa rau, rửa sạch, phơi khô và đóng gói. Không chỉ vậy, ông luôn ân cần lắng nghe phản hồi của khách hàng để làm nên chén nước chấm hợp khẩu vị người Thái mà vẫn giữ hồn nét của xứ Huế. Ông rất tâm đắc và tự tin với nước chấm đặc biệt, đánh dấu riêng thương hiệu VT Namnueng.

Thành công với chuỗi nhà hàng Việt nhưng ông không quên cái nghề đã giúp ông và vợ con đi qua quãng thời gian cơ cực. Tiệm may năm nào đã phát triển bề thế, ông giữ lại cho những người thợ đã cùng “đồng cam cộng khổ” tiếp tục và chỉ còn là quản lý trên danh nghĩa. Ông đến các trường đại học nổi tiếng của Thái Lan theo lời mời để chia sẻ với thế hệ trẻ khát vọng lập nghiệp. Và, ông trở lại quê hương, nơi xứ Huế mà cha ông đã về yên nghỉ, lắng nghe nhịp đất trời, đi thăm làng xóm, trăn trở với những món ăn Việt ngon lành mà với trực giác của người lăn lộn trong thương trường, ông tin các món ăn ấy sẽ chinh phục cả thực khách khó tính nhất. Vào dịp Hội thảo Khoa học Quốc tế “Ẩm thực Cung đình và Dân gian Huế”, ông đã chia sẻ ý tưởng đầu tư mở rộng thị trường và xây dựng cơ sở sản xuất ẩm thực Việt để giới thiệu ra thế giới. Với ông, nem nướng là duyên, là ân tình và là khởi đầu của câu chuyện về ẩm thực Việt!

*Namnueng: Món ăn này thực chất tên là “nem lụi” của xứ Huế, nhưng người Thái không nói được “nem lụi”, vì thế bà Vi Saerueng, mẹ của ông Hồ Văn Lâm mới đổi tên thành “nem nướng”, và khi phát âm, người Thái đọc là namnueng.

Trích đẫn hình ảnh: Facebook 

Exit mobile version