Đài Bắc: Beitou – Món quà chữa lành

Nói đến Beitou, mọi người sẽ nghĩ đến ngay khu vực suối nước nóng nổi tiếng, gần Công viên Quốc gia Dương Minh Sơn. Nhưng Beitou không chỉ có vậy. Beitou là quận có nhiều núi nhất và cao nhất ở Đài Bắc. Beitou có cả đồng bằng, đồng cỏ với các con sông chảy qua thung lũng. Beitou đủ xa trung tâm phố thị ồn ào sôi động, nhưng cũng đủ thuận tiện với hệ thống MRT (Metropolitan Rapid Transit – Hệ thống đường sắt đô thị tốc độ cao Đài Bắc) kết nối đến tận nơi. Beitou có nét hiện đại của cuộc sống mới nhưng vẫn gìn giữ rất tốt những di tích xưa và các công trình kiến trúc thời Nhật Bản. Tất cả tạo nên một khu vực đáng tham quan hàng đầu khi đến Đài Bắc.

Chúng tôi đến Beitou vào một trưa cuối tháng 5. Đây không phải thời điểm quá lý tưởng để đi ngâm suối nước nóng thư giãn vì tiết trời nắng nóng. Nhưng với tôi, dòng suối nước nóng ấy giúp làm dịu cơn đau vai cổ gáy khi chạy đua với các dự án và suốt ngày cắm cúi bên máy tính.

Bước ra khỏi nhà ga MRT hiện nay, ngay bên cạnh là nhà ga cổ Xinbeitou (Xinbeitou Historic Station) có tuổi đời hơn 100 năm duy nhất còn sót lại ở Đài Bắc. Công trình bằng gỗ bách đỏ Đài Loan với kiến trúc tuyệt đẹp theo phong cách Nhật Bản dưới thời thuộc địa. Phía trên là mái ngói và bốn cửa sổ hình tròn, được hỗ trợ bằng một lưới dầm ở bên trong và bên ngoài tòa nhà. Nội thất hiện là nơi trưng bày triển lãm về lịch sử nhà ga, trong khi khu vực quầy vé đóng vai trò như văn phòng thông tin du lịch địa phương.

Qua khỏi khu vực nhà ga, chúng tôi ghé vào quán Nhật ở đối diện, bên kia đường. Quán này nổi tiếng với các phần cơm bento, giá hơi cao nhưng tương xứng với chất lượng và khẩu phần món ăn. Từ tầng cao, có thể dễ dàng ngắm nhìn nhà ga cổ trong ánh nắng trưa vàng ruộm.

Từ quán ăn, theo lối đi bộ có hành lang gỗ, bạn sẽ nhìn thấy phía bên trái là Trung tâm văn hóa Ketagalan, nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, triển lãm các tác phẩm thủ công của người bản địa. Phía bên phải, ngang qua công viên Beitou là đến Bảo tàng suối nước nóng.

Nơi đây vốn dĩ là nhà tắm công cộng thời thuộc địa Nhật Bản, được xem là nhà tắm lớn nhất Đông Á lúc bấy giờ. Sau Thế chiến thứ 2, nhà tắm bị bỏ hoang do các cơ quản quản lý liên tục thay đổi. Đến năm 1994, một nhóm giáo viên và học sinh trường tiểu học Beitou đã phát hiện ra trong một chuyến đi thực tế của khóa học văn hóa địa phương và kiến nghị bảo tồn. Năm 1997, Nhà tắm công cộng Beitou được ghi nhận là di tích lịch sử. Sau đó, nó được trùng tu và trở thành Bảo tàng suối nước nóng, chính thức mở cửa cho công chúng vào ngày 31/10/1998. Tòa nhà được thiết kế hai tầng, tầng trệt xây bằng gạch, tầng hai bằng gỗ, với kiến trúc pha trộn giữa Nhật Bản và phương Tây. Tầng một là khu vực bể tắm công cộng rộng lớn, khu vực ngâm chân, và có cả một dãy vòi nước thấp. Tầng một cũng là nơi trưng bày các thông tin hình ảnh về suối nước nóng Beitou, các khoáng chất và Hokutolite (được tạo ra khi nước suối nóng lưu huỳnh xanh từ Thung lũng đi qua vùng đất Beitou Creek). Tầng hai là nơi nghỉ ngơi, thưởng trà, chơi cờ và ngắm cảnh.

Ra khỏi bảo tàng, bạn dễ dàng nhìn thấy Thư viện công cộng ở gần đó. Đây là thư viện xanh đầu tiên ở Đài Loan được mở cửa vào tháng 11 năm 2006. Thư viện có kiến trúc 2 tầng bằng gỗ, đan xen nhiều cửa sổ lớn để đón nắng.

Thêm vài bước nữa là đến Suối nước nóng công cộng Beitou (北投 公園 露天 溫泉) rộng lớn, nằm ngoài trời, phổ biến và có mức phí rẻ nhất. Với thẻ sinh viên tích hợp easy card, tôi chỉ cần quẹt thẻ để vào và bị trừ chỉ 30 NDT. Đây là bể tắm công cộng không phân biệt giới tính, nhưng yêu cầu mặc đồ tắm. Toàn khuôn viên chia thành 3 bể nóng và 1 bể lạnh. Bể nóng có các cấp độ từ ấm đến rất nóng. Đối với bể lạnh, muốn sử dụng, bạn cần phải có mũ trùm đầu. Trước khi bước xuống bể, buộc phải rửa chân sạch sẽ, gần đó cũng gắn sẵn vòi sen để rửa chân. Ở một góc là dãy phòng thay đồ hoặc tắm lại sau khi ngâm mình, và một hàng dài các tủ chứa đồ. Thường người dân địa phương đến đây rất nhiều và khá lịch sự. Nếu bạn biết tiếng Hoa, thì có thể trò chuyện với họ. Bạn không bị giới hạn thời gian ngâm mình dưới bể, tuy nhiên cần lưu ý thời gian mở và đóng cửa cũng như thời gian nghỉ để vệ sinh bể tắm. Ngoài suối nước nóng công cộng, nếu thích riêng tư và dịch vụ cao cấp hơn như tiệc trà, bữa ăn nhẹ sau khi tắm, bạn có thể đặt chỗ ở các khách sạn trong khu vực.

Đến đây, nếu bạn tiếp tục muốn tham quan các điểm văn hóa, thiên nhiên khác của Beitou, bạn nên ghé Vườn mận (Beitou Plum Garden), vừa tham quan và vừa hỏi một tấm bản đồ Beitou Ecomuseum để lựa chọn các điểm đến kế tiếp hay tự thiết kế tour trong ngày cho mình. Rất đáng tiếc là chúng tôi ghé điểm này gần như sau cùng, nên đã bỏ lỡ địa điểm Thung lũng Sulfur chỉ cách bảo tàng Beitou một đoạn không xa, dù đã cất công đi bộ đến và đoán rằng Công viên Quốc gia Yangmingshan không xa nơi này.

Các điểm đáng chú ý ở đây như:

Beitou Plum Garden, được xây dựng vào cuối những năm 1930. Tòa nhà vẫn giữ nguyên kiến trúc khung gỗ nguyên bản thời thuộc địa Nhật Bản. Ở lối vào, có khắc dòng chữ Vườn mận bằng tiếng Hoa của nhà thư pháp Yo Youren từng sống ở đây. Hiện tòa nhà trưng bày các tác phẩm nghệ thuật và là nơi cung cấp thông tin tham quan cho du khách.

Geothermal Valley – Thung lũng Địa nhiệt, là một suối nước trong như ngọc bích có lịch sử hơn 200 năm, và được bao phủ bởi sương mù. Bởi nhiệt độ dòng suối này rất cao, từ 80-100 độ C, không thích hợp để tiếp xúc trực tiếp với cơ thể. Khu vực này được thiết kế hàng rào uốn lượn bao quanh để bảo tồn dòng suối và đồng thời bảo vệ an toàn cho du khách, tạo thành hướng dẫn lối tham quan.

Đền Puji là một trong số ít những ngôi đền Phật giáo thời thuộc địa Nhật Bản còn sót lại ở Đài Loan và giữ nguyên vẹn kiến trúc và nghi lễ thờ cúng theo phong cách Nhật Bản. Đền được xây dựng trên một ngọn đồi yên tĩnh vào năm 1905 với sự đóng góp của công nhân và kỹ sư đường sắt. Đền Puji thuộc trường phái Shingon, một trong những trường phái Phật giáo lâu đời nhất ở Nhật Bản, do Kobo-Daishi sáng lập. (Hiện Kobo-Daishi được thờ ở Taipei Mazu Temple). Ngày nay, chùa thờ Quan Âm, được mệnh danh là “Vị thần bảo hộ của Suối nước nóng”.

Bảo tàng Beitou vốn là khách sạn suối nước nóng cao cấp nhất ở khu vực Beitou dưới thời thuộc địa Nhật Bản – Khách sạn Kazan. Được xây dựng vào năm 1921, trên một sườn núi, đây là tòa nhà hai tầng mang phong cách Nhật Bản hoàn toàn bằng gỗ duy nhất còn lại ở Đài Loan. Bảo tàng Beitou đã được Chính quyền chỉ định là di tích lịch sử vào năm 1998 và được Quỹ văn hóa Fu Lu quản lý và điều hành.

Marshal Zen Garden là một phần của khu phức hợp khách sạn dưới thời thuộc địa Nhật Bản, được dùng làm câu lạc bộ giải trí cho quân đội Nhật. Sau năm 1949, địa điểm này trở thành nơi quản thúc Thống chế Chang Hsueh-liang hay Zhang Xueliang. Vườn thiền nằm ở vị trí đắc địa, tránh xa ồn ào huyên náo khu trung tâm, và đủ bình yên trong khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Nằm phía trên thung lũng địa nhiệt, đứng ở Vườn thiền có thể thấy làn hơi nước cuộn lên. Phóng tầm mắt xung quanh là dãy Yangmingshan hùng vĩ, đồng bằng Guandu và dòng sông Tamsui uốn lượn. Tuy nhiên đây là địa điểm tính phí, bạn cần cân nhắc khi tham quan.

Sulfur Springs Valley, thung lũng lưu huỳnh, là nguồn cung cấp nước nóng cho các địa điểm tắm suối nước nóng ở Beitou. Thung lũng nằm trên đường đến Yangmingshan với các mạch nước phun không ngừng từ các fumaroles.

Tri-Service General Hospital Beitou Branch và  Beitou Heart Village nằm trên cùng một con đường, đều là công trình xây dựng dưới thời thuộc địa Nhật Bản. Vì sức mạnh chữa bệnh của suối nước nóng, người Nhật đã xây dựng một bệnh viện điều dưỡng và một ngôi làng quân sự ở đây.

Bên cạnh hoạt động suối nước nóng, các điểm di tích văn hóa, các sự kiện địa phương cũng được tổ chức theo mùa.

  • Beitou LOHAS Festival diễn ra vào tháng 3 và tháng 4 hàng năm, nhằm quảng bá văn hóa và cảnh quan như núi Qixing, suối nước nóng…
  • Beitou Cooling Summer Festival diễn ra vào tháng 7 đến cuối tháng 8 với những món ăn giải nhiệt của mùa hè như dưa hấu, và tái hiện lại một vùng đất giàu văn hóa lịch sử từ quá khứ đến hiện tại.
  • Taiwan Yueqin and Folk Song Festival là sự kiện âm nhạc truyền thống vào tháng 9 và tháng 10 hàng năm.
  • Teipei Hot Spring Festival từ tháng 10 đến tháng 11 tập trung vào văn hóa suối nước nóng của Đài Loan và Nhật Bản. Du khách cũng có thể trải nghiệm văn hóa Thần đạo Nhật Bản.

Related Articles