Cung điện Sanam Chandra – Chốn thiêng liêng và giàu văn hóa

140

Đến Sanam Chandra một ngày đầu hạ, cái nắng nóng bức và tấp nập của Bangkok nhường chỗ cho cỏ cây xanh mướt, nét yên bình soi bóng bên hồ nước đong đầy mây trời, xen lẫn đâu đó là tiếng chim ríu rít tìm nhau.

Từ cổng, dọc theo con đường chính trải đá thênh thang một đoạn ngắn, rồi rẽ vào lối nhỏ ven bờ cỏ hoa, mở ra trước mắt là thế giới tựa cổ tích, cây phượng vĩ đỏ rực một màu xoe tròn như chiếc ô bên cây cầu mái ngói, vắt qua hồ nước, nối liền hai tòa nhà tuyệt đẹp, Marirajrattaballang Residence bằng gỗ và lâu đài nhỏ Jalimangalasana Residence đều mang dáng dấp kiến trúc Âu Châu. Đây là 2 điểm nổi bật trong số 23 công trình kiến trúc trong quần thể cung điện Sanam Chandra rộng lớn.

Nếu như Jalimangalasana Residence là một lâu đài nhỏ xây dựng theo lối kiến trúc thời Phục hưng và phong cách half – timbered của Anh (tường bằng khung gỗ, và trong khung lại có gạch, đá), phủ lên lớp sơn vàng nhạt tươi sáng; thì Marirajrattaballang Residence xây bằng gỗ tếch vàng, sơn đỏ ấm áp, mang phong cách nội thất cổ điển Châu Âu.

Cả hai đều thiết kế 1 trệt, 1 lầu, lợp ngói đỏ và được điều chỉnh đôi chút cho phù hợp với khí hậu nhiệt đới ở Thái Lan. Jalimangalasana và Marirajrattaballang nằm hai bên bờ hồ có cái tên rất thi vị “hồ Mặt trăng”, nối với nhau qua cây cầu gỗ lợp mái ngói đỏ, có nhiều ô cửa sổ đều tăm tắp trải dọc lối đi để lấy gió trời và ngắm nhìn khung cảnh nên thơ.

Quả là một công trình kiến trúc khác lạ giữa xứ sở đền đài chùa tháp cao vút, và chủ nhân hẳn cũng đặc biệt không kém. Vua Rama VI – chủ nhân cung điện Sanam Chandra, vốn là người yêu thích nghệ thuật, đã chuyển ngữ vở kịch Anh ưa thích “My friend Jarlet” do Arnold Golsworthy và E.B.Norman biên soạn, và đặt tựa đề “True Friend” trong tiếng Thái. Lấy cảm hứng từ đây, vua Rama VI cho xây dựng Jalimangalasana Residence và Marirajrattaballang Residence và đặt tên theo tên hai nhân vật trong vở kịch.

Không chỉ vậy, bất kì khách du nào khi đến đây cũng đều tò mò về bức tượng chú chó hiên ngang ngẩng cao đầu, đặt trên bệ thờ cao ngay trước Jalimangalasana Residence và được mọi người cung kính gọi “khun.

Hai sắc màu tương phản, một lâu đài vàng nhạt ngói đỏ tươi sáng, một bức tượng xám đen, càng làm nổi bật lên huyền thoại về chú chó Jarlet. Jalet có bộ lông pha trộn giữa hai màu đen trắng, đuôi rậm, tai rũ, sinh ra trong nhà tù ở tỉnh Nakhon Phathom. Trong một chuyến thị sát tại nhà tù này, vua Rama VI nhìn thấy chú chó nhỏ đáng yêu và sau đó, viên cai ngục đã tặng chú chó cho nhà vua. Chú chó nhỏ may mắn được vua đặt tên Jarlet, cái tên cũng lấy từ vở kịch ưa thích “My friend Jarlet” trên.

Jarlet rất tinh khôn và trung thành nên được lòng vua Rama VI. Một ngày kia, vua rời cung điện, đi chiêm bái đền đài thờ Phật, Jarlet tinh khôn lẻn theo vua, bất hạnh thay chú chó trung thành bị bắn chết trên đoạn đường giữa cung điện và đền thờ Phật. Tiếc thương chú chó trung thành, vua Rama VI cho tạc tượng Jarlet đặt trước tòa lâu đài nhỏ Jalimangalasana Residence, nhà vua còn tự mình sáng tác một bài thơ và cho chạm vào bệ đá.

Câu chuyện dễ thương cùng sắc màu ấm áp nổi bật giữa không gian thanh bình, thế nhưng đây không phải là công trình đầu tiên trong quần thể cung điện Chanam Chandra. Lâu đời nhất và linh thiêng nhất phải kể đến Bimarn Pathom Throne Hall, được xây dựng khi vua Rama VI còn là Thái tử. Cũng 1 trệt, 1 lầu theo kiến trúc phương Tây, nhưng Bimarn Pathom Throne Hall nhìn giản dị, gần gũi hơn với các họa tiết trang trí theo kiểu Thái. Bên trong tòa nhà có rất nhiều phòng, ấn tượng nhất là phòng Phật với bức tượng mô tả cảnh Phật lần đầu tiên thuyết giảng, cùng nhiều tranh vẽ và lọng che 7 tầng trong đức tin của người Thái. Điểm đặc biệt, đứng từ phòng Phật sẽ nhìn thấy Đền thờ Ganesha Shrine (thần Voi) và Phra Pathom Chedi (Tháp Xá lợi Phật) thành một đường thẳng. Tòa nhà này cũng dành riêng một khu vực thành bảo tàng, trưng bày hình ảnh và vật dụng về vua Rama VI, hoàng hậu và người con duy nhất của vua – công chúa Bejararatana Rajasuda Sirisobhabannavadi.

Trong quần thể cung điện Sanam Chandra, công trình đậm dấu ấn văn hóa Thái nhất, là Thap Khwan Residence – hệ thống nhà Thái dựng bằng gỗ tếch theo lối kiến trúc nhà sàn gồm 8 gian, nối nhau bằng các hành lang gỗ, và có khu sinh hoạt chung rộng lớn ngay chính giữa nhà dưới bóng râm của cây cổ thụ tỏa mùi thơm. Trên các cột, bức vách đều chạm trổ hoa văn Thái hài hòa. Vua Rama VI cho xây dựng Thap Khwan Residence với dụng ý gìn giữ nguyên bản nhà Thái cổ xưa.

Quần thể cung điện Sanam Chandra đậm chất thơ, giàu văn hóa, thiêng liêng tâm linh được xây nên từ tâm lành. Cung điện này tọa lạc tại tỉnh Nakhon Phathom, trung tâm Phật giáo quan trọng từ thế kỷ thứ 6, nổi tiếng với Phra Pathommachedi – bảo tháp cao nhất Thái Lan và được cho là cổ xưa nhất, từ thời Hoàng đế Asoka, vị Hoàng đế kiệt xuất trong lịch sử Ấn Độ.

Tương truyền khoảng năm 269 đến năm 232 trước Công Nguyên, Hoàng Đế Asoka đã gửi các đoàn tăng sĩ đi truyền bá Phật Pháp ở Suvarnabhumi (vùng đất gồm Nakhon Phathom ngày nay), và bảo tháp đã được xây dựng để thờ Xá lợi Phật, khoảng năm 193 trước Công Nguyên với kiến trúc tương tự Đại Tháp Great Stupa ở Sanchi, Ấn Độ. Bảo tháp lần đầu tiên được nhắc đến trong kinh điển Phật giáo vào năm 675.

Khi Vua Rama VI còn là Thái tử Vajiravudh, đã được Vua Chulalongkorn (Rama V) sai đến đây trùng tu bảo tháp. Từ đó, Thái tử quen thuộc với vùng đất này, quan tâm hơn đến lịch sử, văn hóa, và muốn xây dựng cung điện để nghỉ dưỡng khi đến đây lễ bái. Chọn vị trí hiện nay vì phát hiện tại mảnh đất này, dấu tích của cung điện cổ xưa cùng một ngôi đền Bà La Môn, phía trước có hồ nước được biết đến là Sanam Chandra mà người dân quen gọi hồ hoa sen. Cung điện do người Thái thiết kế và xây dựng vào năm 1907, sau 4 năm thì hoàn tất. Đây không chỉ là nơi nghỉ dưỡng mà còn được vua Rama VI sử dụng làm nơi luyện binh.

Khi Thái Lan chuyển đổi chế độ quân chủ sang dân chủ, cung điện thuộc sở hữu của nhà nước, tuy nhiên ngày 16/12/2003, người con duy nhất của vua Rama VI, công chúa Bejararatana đã yêu cầu nhà nước trao trả cho Hoàng gia và dành tặng vua Rama IX.

Chỉ cách Bangkok khoảng 56 km về phía Nam, cung điện Sanam Chandra là một viên ngọc quý, với không gian khác biệt, lung linh cảnh sắc, đậm nét văn hóa thiêng liêng của vùng đất cổ xưa nhất đất Thái nhưng lại ít được du khách quốc tế biết đến. Đối với người con Phật, quả là điều đáng tiếc, khi đến Thái mà không đặt chân đến đây, một lần lễ Phật, bước vòng quanh bảo tháp đậm dấu ấn lịch sử hay chắp tay thành kính từ phòng Phật, cúi lạy bảo tháp và đền thờ Ganesha Shrine – 1 đường thẳng đi về tâm.