Bưu điện Trung tâm Thành phố – Công trình đi qua 3 thế kỷ

256

Ngay Công trường Công xã Paris, chỉ cách nhà thờ Đức Bà vài bước chân, dễ dàng nhận ra Bưu điện Trung tâm Sài Gòn, một công trình đi qua 3 thế kỷ, mang đậm dấu ấn kiến trúc phương Tây hòa cùng nét trang trí phương Đông.

Bưu điện Trung tâm Thành phố do ai thiết kế?

Đến đây vài lần, tôi nghe người dân kháo nhau rằng, đây là 1 trong 3 công trình nổi tiếng ở Việt Nam do kiến trúc sư lừng danh Gustave Eiffel thiết kế. Chà chà, tên tuổi Gustave không ai mà không biết, ông gắn liền với tháp Eiffel – biểu tượng đầy tự hào của nước Pháp, Tượng nữ thần Tự do – biểu tượng quốc gia về tự do tại Hoa Kỳ, Đài thiên văn Nice…

Thế nhưng, cũng có người nói rằng, Bưu điện Trung tâm Thành phố được thiết kế theo bản vẽ của kiến trúc sư Villedieu cùng phụ tá Foulhoux.

Lật giở các giai đoạn xây dựng của công trình đặc biệt này, có thể suy đoán: Công trình ban đầu xây dựng và khánh thành do kiến trúc sư Gustave Eiffel thiết kế. Sau 23 năm, kiến trúc sư Villedieu cùng phụ tá Foulhoux thiết kế xây dựng mới lại.

Kiến trúc đóng dấu Bưu điện Trung tâm Thành phố

Đứng trước Bưu điện, điểm ấn tượng đập ngay vào mắt tôi, chính là chiếc đồng hồ ngay phía trước, bên trên là hình người đội vòng nguyệt quế và dòng chữ “Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh”, bên dưới dưới có đề năm xây dựng và khánh thành “1886-1891”.

Kiến trúc mái và cửa sổ vòm chia đều hai bên, đối xứng qua “trục” trung tâm, gợi nhớ về những trạm xe lửa đầu tiên ở châu Âu, chia đều hai bên, đối xứng qua “trục” trung tâm.

Bưu điện được thiết kế hài hòa, cân đối. Mặt trước tòa nhà trang trí theo từng ô hình chữ nhật, ghi tên những nhà phát minh ra ngành điện tín và ngành điện. Trong số các ô khắc tên có Tổng thống Hoa Kỳ Benjamin Franklin, nhà phát minh người Ý Alesandro Volta, nhà Vật lý người Anh Micheal Faraday … Trên các ô, đắp nổi hình người đội vòng nguyệt quế, gợi nhắc đến đỉnh Olympia của trí tuệ, tài năng và chiến thắng.

Bước vào bên trong, tôi thật sự choáng ngợp dưới hệ thống vòm cung trải dài. Hai hàng trụ sắt chống đỡ sừng sững vững chãi bất kể thời gian. Điểm tiếp nối của hệ thống cột kèo được thiết kế công phu, chạm khắc hoa văn tinh xảo. Nơi đây, bạn có thể chiêm ngưỡng hai bản đồ lịch sử trên cao mang tên: Saigon et ses environs, 1892 và Lignes télégraphiques du Sud Vietnam et du Cambodge, 1936, các kiến trúc Gothic và các quầy phục vụ khách hàng. Bốn dãy bàn gỗ lớn xếp dọc bên trong phục vụ người dân có nhu cầu khai báo, ghi chép để gửi thư từ, bưu phẩm.

Bưu điện vẫn còn lưu giữ 14 bốt điện thoại chia làm hai bên sảnh chính như nhắc nhớ về một thuở xa xưa. Chuyện kể rằng đường dây thép (hệ thống bưu điện) Sài Gòn – Qui Nhơn – Đà Nẵng – Huế – Vinh – Hà Nội dài 2.000 km hoàn thành vào ngày 22/3/1888. Năm 1889 mở thêm đường liên lạc điện báo Sài Gòn – Bangkok để phục vụ cho giới kinh doanh. Từ ngày 1/7/1894 Sài Gòn bắt đầu sử dụng hệ thống điện thoại. 14 bốt điện thoại vẫn còn hoạt động, phục vụ người dân và du khách có nhu cầu liên lạc và hoài niệm một thời đã xa.

Dọc hai bên hành lang bày bán đồ lưu niệm, bưu ảnh về đất nước con người Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng.

150 năm thăng trầm cùng đất này, Bưu điện Trung tâm Sài Gòn đã chứng kiến bao đổi thay lịch sử. Người ta đến đây, một phần để ngắm nét kiến trúc độc đáo, một phần để đắm mình về một miền xa, thời của chiếc hòm thư, của quầy điện thoại quay số, hay tìm gặp ông lão cuối cùng làm nghề dịch thư viết tay, bồi hồi nhớ lại một thoáng Sài Gòn xưa.